Tải tài liệu! Vấn đề chung của cả cá nhân mình và khá nhiều bạn. Mình may mắn nhận ra vấn đề này sớm từ năm thứ 2 đại học khi bắt đầu tham gia quản trị diễn đàn sinhvienduoc.com. Một mảng hoạt động của diễn đàn là chia sẻ, tìm kiếm tài liệu học thuật, lúc ấy chỉ có anh Toàn Dược 2007 phụ trách chính. Lúc đó cũng không biết cái khái niệm tài liệu học thuật là thứ gì hết, chỉ đơn giản cái bản tính tò mò với vấn đề mới làm mình phải tìm tòi.

Hồi đầu năm thứ nhất đại học, BQT diễn đàn cũng đã từng một lần tổ chức chương trình tìm kiếm tài liệu trên internet, hồi đó mình cũng nghĩ rằng à thì google, yahoo… công cụ tìm kiếm thôi, những thứ đó mình đã rành rọt hết rồi. Hehe, hồi đó có vẻ hơi tự mãn! Rồi mình không tham gia, sau này tiếc lắm mà biết sao được. Thôi, không dài dòng nữa, vào vấn đề chính của bài này!

Làm sao để có tài liệu?

Nếu chúng ta tìm kiếm cho một vấn đề thường thức thôi, những tính năng google sẽ hỗ trợ tối ưu và nhanh chóng cho bạn. Còn vấn đề của chúng ta là tài liệu mang tính chất học thuật. Đa số các tài liệu này là Tiếng Anh. Tuy nhiên, hiện nay tài liệu Tiếng Việt cũng được chia sẻ khá nhiều dưới dạng các Khóa Luận, Luận Văn, Luận Án, Bài giảng của các trường đại học… Như vậy để giải quyết vấn đề trên chúng ta tiếp cận theo tài liệu Tiếng Việt riêng và tiếng Anh riêng nhé.

1. Tài liệu Tiếng Việt

– Bài giảng, giáo trình của các trường đại học: mình nhận thấy các môn học ở các ngành kỹ thuật khá trùng lắp nhau. Các trường bạn cũng như sinh viên dược đều học chung một số môn cơ bản ví dụ như hóa lý, hóa hữu cơ, sinh học phân tử, hóa sinh, hóa phân tích… Do đó chúng ta có thể sử dụng bài giảng, giáo trình của trường bạn để bổ sung thêm kiến thức, làm rõ hơn vấn đề. Thường các trường chuyên về khoa học cơ bản viết những vấn đề này khá sâu, vì đó là chuyên ngành của họ.

Cách tải: Các tài liệu này thường chia sẻ miễn phí, nếu không tải được bạn có thể Google để tìm một nguồn chia sẻ khác bằng việc dùng từ khóa là tên tài liệu được chia sẻ, có thể tìm kiếm nâng cao filetype:[định dạng file] nếu cần.

Ví dụ: Mình tìm được: Giáo trình sinh học phân tử – Hồ Huỳnh Thùy Dương ở tailieu.vn nhưng ở đây buộc trả phí. Tên file của tài liệu trên là GT_SHPT.pdf thử tìm trên google với tên file đó nhé.

ebook.edu.vn là một địa chỉ tốt để tải các tài liệu dạng này. Trang này luôn có hình thức miễn phí có hạn chế cho sinh viên. Các bạn tham khảo hướng dẫn tại đây.

scribd.comtương tự cũng là một kho tài liệu, không phải của Việt Nam nhưng khá nhiều tài liệu Tiếng Việt; thường thì trang này yêu cầu chia sẻ tài liệu để tích điểm. Trong trường hợp không có điểm, bạn vẫn tải được tài liệu bằng cách được yêu cầu tải lên một tài liệu khác để đổi, cho nên đừng vội bỏ qua mà hãy tải lên một file nào đó, sau khi tải lên xong, bận nhấn Save & … ở góc phải gần cuối trang. Liên kết tải sẽ hiện ra.

– Khóa luận, luận văn, luận án: các tài liệu này thường nằm tại thư viện các trường đại học, hiện nay có khá nhiều trường đại học tại Việt Nam đưa hệ thống thư viện điện tử vào hoạt động. Hệ quản trị Libol của Tinh Vân được đa số các trường chọn thuê để xây dựng thư viện điện tử cho sinh viên. Tất nhiên chỉ sinh viên trong trường mới được truy cập.

Cách tải: Các bạn có thể liên hệ nhờ các bạn học trường này mượn giúp.
Hiện nay, các trang chia sẻ luận văn mọc lên như nấm ví dụ: 123doc.org, luanvan.net, hầu hết là bắt buộc trả phí, kèm theo một chính sách khác là chia sẻ tài liệu, tích điểm để tải tài liệu. Mình thì chỉ thấy việc tích điểm khả thi ở tailieu.vn, violet.vn còn những trang khác hơi khó khăn, cũng có thể do mình chưa thử hết, chưa có thời gian đầu tư vào các trang đó. Nhưng 2 trang trên khả thi đó, các bạn cứ yên tâm tích và đổi điểm nhé.

Hướng dẫn sử dụng tailieu.vn tại đây.

2. Tài liệu Tiếng Anh

– Các dạng tài liệu học thuật viết bằng Tiếng Anh cũng bao gồm bài giảng đến từ các trường đại học nước ngoài (tên miền thường có .edu). Với những tài liệu dạng này thường họ sẽ chia sẻ miễn phí.

– Khóa luận, Luận văn, Luận án: tương tự cũng ít trường để ở chế độ tự do xem, tải vì đơn giản đó là kết quả lao động, chất xám của họ; đồng thời đảm bảo vấn đề bản quyền các trường này thường giới hạn trong nội bộ sinh viên, nhân viên của họ. Bạn có thể nhờ bạn bè học ở các trường này tải giúp.

– Bài báo trong các tập san khoa học (Paper/ Journal): thường bạn sẽ tìm thấy các bài này trên pubmed, các trang của NXB như Wiley, Sciendirect…

Các bài báo miễn phí: đa số các bài Original Paper (bài nghiên cứu gốc) là tính phí, tất nhiên một số miễn phí, các bài miễn phí thường được google scholar; pubmed dẫn liên kết để bạn có thể tải về nhanh chóng.

Bên dưới là một mẫu tìm kiếm bằng Google Scholar, kết quả trả về thường kèm liên kết tới bài báo miễn phí. Ngoài ra Scholar còn cho biết "số phiên bản" của bài báo, ở đây muốn nói đến 6 vị trí lưu trữ bài báo, trong 6 vị trí đó thì trên wiley.com có bản PDF miễn phí. Các bạn hãy để ý đến dòng "Trích dẫn 211 bài viết"; thông tin này cho biết có 211 bài viết đã sử dụng thông tin từ tài liệu này để trích dẫn lại; điều này giúp ta đánh giá tầm quan trọng, độ tin cậy của tài liệu này.

Hướng dẫn chi tiết về Google Scholar: Xem hướng dẫn

Còn Pubmed sẽ cho bạn liên kết đến bài miễn phí ở góc phải như hình.

Các tài liệu có phí này có thể có bản chia sẻ từ tác giả, từ cơ sở nghiên cứu của tác giả. Bạn có thể truy cập researchgate (Mạng xã hội dành cho người nghiên cứu) để tìm kiếm bài báo, rất nhiều trường hợp các tác giả chia sẻ nó miễn phí.Các trường đại học nước ngoài thường mua CSDL của các nhà xuất bản này để phục vụ cho công tác nghiên cứu và sinh viên trường mình; nói như vậy có nghĩa là bạn có quyền nhờ cậy rồi. Hãy sử dụng mối quan hệ của bạn nhé.

Trường hợp bạn không có mối quan hệ nào: hãy vào facebook và tìm kiếm một số Nhóm tải tài liệu khoa học, Nhóm tải báo; ở đó có một số anh chị đang học ở các trường này có thể giúp bạn. Hãy đọc kỹ nội quy của nhóm trước khi muốn đăng gì đó nhé, nếu không bạn sẽ bị mời ra không thương tiếc :D. Trong nhóm này sẽ có một số Note trình bày rõ về các cách truy cập nguồn tài liệu, các bạn có thể tham khảo. Nếu đọc đoạn này thấy thắc mắc các bạn có thể liên hệ mình qua tin nhắn facebook nhé: facebook.com/tit992.

Cách cuối cùng: thật ra nó là cách bạn nên làm nhất, hãy tìm địa chỉ email của tác giả bài báo và viết một email gửi cho họ trình bày đề tài bạn đang nghiên cứu, tài liệu bạn cần. Nếu khả năng Tiếng Anh tốt bạn sẽ thành công và điều tuyệt vời hơn là tác giả có thể sẽ tư vấn nhiều hơn cho bạn về đề tài nếu đó là mảng nghiên cứu của họ, biết đâu bạn sẽ ghi danh vào một vị trí học bổng nào đó của giáo sư này. Để tăng tính tin cậy bạn nên sử dụng email mà trường cung cấp cho bạn, các email có dạng .edu. [Tham khảo bài viết: Câu chuyện về email \@uphcm.edu.vn]

– Patent – Bằng sáng chế: Đây là dạng tài liệu mình vừa tiếp cận sử dụng mới đây thôi, từ báo cáo Dược liệu 3 mà mình phát hiện ra một công cụ hay ho khác của google – Google Patent. Tương tự như các công cụ chuyên biệt khác, cái này sử dụng cho việc tìm kiếm bằng sáng chế. Hãy thử khám phá nó nhé, nhiều thứ hay lắm đó.

– Sách: Đa số có bản quyền nhé, khuyến khích mọi người nên mua để đọc, mượn thư viện, mượn bạn bè… tuy nhiên sinh viên chúng ta làm gì có tiền!Giải pháp: có thể tìm các giáo trình khác có bản ebook miễn phí, một số thư viện điện tử đại học cũng có bạn có thể nhờ truy cập, Nhóm tải báo mình đề cập ở trên cũng có thể hỗ trợ bạn. Một số trang web cũng chia sẻ tài liệu, sách nhưng bất hợp pháp nên mình không nêu ra ở đây.

3. Tóm lại

Tóm tắt những ý trên chúng ta có các cách sau cho nhu cầu tài liệu:

– Sử dụng các tài liệu miễn phí.

– Trường hợp tài liệu có phí cố gắng tìm kiếm các nguồn liên kết khác như qua google scholar (Xem hướng dẫn), researchgate.

– Bạn có thể yêu cầu giúp đỡ khi cần thiết từ bạn bè tại các trường này, từ Nhóm tải báo…

– Nhờ sự giúp đỡ từ chính tác giả.

Biết rằng các bạn sẽ còn nhiều thắc mắc, hãy thử đọc các Note trong Nhóm tải báo nhé, thắc mắc của bạn sẽ được giải quyết nhiều đó.

Mồng 1 Tết! Chúc mọi người một năm thành công và thắng lợi!